ĐỒNG HÀNH XÂY DỰNG LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CHỢ LÁCH

ĐỒNG HÀNH XÂY DỰNG LÀNG VĂN HÓA DU LỊCH CHỢ LÁCH

Ngày 5 tháng 6 năm 2019, Hội thảo “Tiềm năng và giải pháp phát triển Làng Văn hóa Du lịch huyện Chợ Lách trên nền tảng phát triển du lịch nông thôn” diễn ra  tại Trung tâm Hành chính huyện Chợ Lách (Bến Tre) với sự tham dự của nhiều đại biểu từ Trung ương đến địa phương, thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và người dân. Đây cũng là lần đầu tiên “Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách” được giới thiệu.

Tham gia trong “Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách”, Công ty Sài Gòn Asset vui mừng một trong những đơn vị cùng với Công ty Du lịch Bến Thành, Công ty TNHH MTV dịch vụ lữ hành Saigontourist đã ký kết thỏa thuận hợp tác để phát triển Làng VHDL Chợ Lách với UBND tỉnh Bến Tre.

Công ty Cổ phần Sài Gòn Asset ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách 

Một số thông tin về “Đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách”, đã được trình bày trong Hội thảo:

Đề án Làng Văn hóa Du lịch huyện Chợ Lách do Trường ĐH KHXH&NV tham gia xây dựng sẽ giúp địa phương phát huy những sản phẩm du lịch xanh và bền vững. Cụ thể là các giá trị văn hóa, lịch sử, làng nghề hoa kiểng, cây giống, thế mạnh cây ăn trái…

Toàn cảnh Hội thảo 

Chủ tọa đoàn điều khiển hội thảo gồm ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, ông Vũ Hải Quân – Phó Giám đốc ĐHQG-HCM, ông Nguyễn Minh Tiến – Chánh Văn phòng điều phối Chương trình Nông thôn mới Trung ương – và bà Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM.

Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng UBND tỉnh Bến Tre và Trường ĐH KHXH&NV tổ chức, gồm hai chủ đề chính: Lý luận thực tiễn phát triển du lịch nông thôn ở Đồng bằng Sông Cửu Long – Kinh nghiệm triển khai và cơ chế quản lý làng văn hóa du lịch; Kết nối đầu tư xây dựng và thương mại hóa sản phẩm du lịch cho tỉnh Bến Tre.

Trong khuôn khổ Hội thảo đã có rất nhiều bài tham luận được gửi về Ban Tổ chức hội thảo. Trong đó, có 11 bài tham luận được trình bày.

Trong hội thảo, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM – đã trình bày những điểm nổi bật của đề án. Theo đó, Làng Văn hóa Du lịch (VHDL) Chợ Lách sẽ trở thành điểm nhấn du lịch của Việt Nam, vươn tầm khu vực với lợi thế là sản xuất hoa kiểng, cây giống, cây ăn quả…Sản phẩm du lịch của Làng VHDL Chợ Lách là những giá trị về văn hóa, lịch sử gắn với những sản phẩm nông nghiệp đặc thù. PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cho biết đây là những sản phẩm du lịch xanh và bền vững theo chương trình OCOP, giúp địa phương phát huy tiềm năng để phát triển, nhất là trong xây dựng nông thôn mới.

PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐHKHXH&NV trình bày đề án Làng Văn hóa Du lịch Chợ Lách 

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam nhấn mạnh du lịch nông thôn là một trong những nội dung giúp nâng cao đời sống người dân trong xây dựng nông thôn mới. “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Với vai trò là Doanh nghiệp – Nhà Đầu tư Giám đốc Công ty Sài Gòn Asset – đã trình bày tham luận về ý tưởng tổ chức và định hướng xây dựng quy chế quản lý Làng VHDL Chợ Lách với mô hình liên kết 4 Nhà: Nhà dân, Nhà khoa học, Nhà nước, Nhà đầu tư dưới một góc nhìn khác.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Asset trình bày tham luận 

Hội thảo cũng lắng nghe nhiều bài chia sẻ kinh nghiệm xây dựng phát triển từ nhiều đơn vị khác như: bà Nguyễn Thị Duyên (Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Lai Châu) đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai và cơ chế quản lý mô hình bản du lịch cộng đồng tại Bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. Bà Duyên cho rằng điều quan trọng trong xây dựng và quản lý hoạt động của Làng VHDL Chợ Lách là chính quyền địa phương phải hiểu rõ người dân cần gì, muốn gì, phải cho họ thấy họ đang làm chủ thì từ đó người dân mới có động lực chung tay xây dựng, nâng cao chất lượng các dịch vụ tại Làng.

Từ kinh nghiệm nghiên cứu về du lịch, TS. Ngô Thanh Loan – Giám đốc Trung tâm Phát triển nghiệp vụ du lịch bền vững (trực thuộc Công ty TNHH Dịch vụ khoa học và Du lịch Văn Khoa, Trường ĐH KHXH&NV) – cho rằng chính quyền địa phương cần áp dụng nhiều giải pháp để người dân ý thức được rằng họ đang làm du lịch từ nông nghiệp. Hoạt động nông nghiệp trong trường hợp này vẫn là điều cốt lõi, không thể để các hộ dân nhầm tưởng là làm du lịch là chính mà không chú ý đến chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Nếu như vậy thì Làng VHDL sẽ phát triển không còn bền vững.

Đại biểu nhấn nút khởi động đề án

Quyết tâm đưa du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn

Đoàn tham dự Hội thảo khảo sát tại gia đình một hộ trồng hoa kiểng trong Làng VHDL Chợ Lách

Ông Nguyễn Hữu Lập – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre – cho hay: Bến Tre đang tập trung phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển nông nghiệp, môi trường sinh thái, văn hóa, gia tăng sản phẩm từ nông nghiệp…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Nguyễn Hữu Lập phát biểu chào mừng, khai mạc hội thảo

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo cho rằng Hội thảo là bước ngoặt trong phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nói chung và Chợ Lách nói riêng. Bởi vì nông nghiệp nếu duy trì tư duy sản xuất cũ sẽ nhanh chóng trở thành vùng trũng kinh tế nông thôn ở Việt Nam. Nếu không thay đổi cách tổ chức sản xuất theo mô hình OCOP với chất lượng, công nghệ, cách tổ chức mới thì không bao giờ có sự phát triển trong sản xuất nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Võ Thành Hạo phát biểu tại hội thảo 

Ông Hạo lưu ý: Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là đề án Làng VHDL Chợ Lách sẽ ngay lập tức phát huy hiệu quả, giúp nền nông nghiệp phát triển. Chúng ta phải hiểu rằng để đạt được kết quả cần phải có sự quyết tâm của các cấp chính quyền và sự đồng lòng của người dân, phải tốn rất nhiều thời gian, có khi thời gian trải qua một thế hệ.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, địa phương cần phát huy lợi thế tài nguyên bản địa. Từ đó, đưa ra cơ chế chính sách đặc thù trong phát triển du lịch nông thôn, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, phối hợp các ngành chức năng hỗ trợ, đào tạo nâng cao nhận thức của người dân về các kỹ năng hoạt động du lịch, sắp xếp tổ chức lại sản xuất đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch nhưng vẫn giữ được nét truyền thống nông thôn…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam

Mặt khác, các đại biểu cho rằng Chợ Lách nói riêng và Bến Tre nói chung cần chú trọng phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông nông thôn để phục vụ tốt hơn cho du lịch, quan tâm đến vấn đề phát triển du lịch bền vững, bảo môi trường xung quanh. Theo đề án, về mặt địa giới hành chính, Làng VHDL Chợ Lách gồm 4 ấp thuộc 4 xã của huyện Chợ Lách: ấp An Hòa (xã Long Thới), ấp Vĩnh Nam (xã Vĩnh Thành), ấp Đông Kinh (xã Vĩnh Hòa) và ấp Lân Đông (xã Phú Sơn) với diện tích gần 1.500ha. Trung tâm của Làng VHDL Chợ Lách được đặt tại xã Vĩnh Thành, trong khu lưu niệm nhà bác học Trương Vĩnh Ký (dự kiến sẽ được xây dựng). Từ đây, du khách có thể tham quan các điểm du lịch khác như các nhờ cổ và lớn; tham quan vườn cây trái, làng nghề trồng hoa và sản xuất cây giống; tham quan các nhà cổ – nhà miệt vườn Nam Bộ hay tham quan trại nuôi gà nòi…

Các trạm dừng nghỉ, những điểm tham quan, các tuyến di chuyển được thiết kế kết nối, ôm trọn không gian văn hóa đậm chất sông nước của Chợ Lách.

* Trước đó, trong ngày 4-6, các đại biểu đã có tour khảo sát tại các điểm du lịch dự kiến của Làng VHDL Chợ Lách: Nhà thờ Cái Mơn, Nhà bia Trương Vĩnh Ký, Vườn cây trái – hoa kiểng, tham quan cồn Cái Gà…

Đoàn chuyên gia lên tàu chuẩn bị khảo sát cồn Cái Gà

Khung cảnh sông nước mênh mông thơ mộng ở Chợ Lách

Tham quan trại cây giống

Đoàn đến thăm vườn sầu riêng của hộ dân tại địa phương và nghe người dân chia sẻ về quy trình chăm sóc, thu hoạch trái 

Hình ảnh: Mạnh Khang – Nội dung: HCMUSSH, SaiGonAsset